07.09.2016

Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần - Người Buôn Gió

Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần


Phần 1: Xe biển xanh

Trong chiến trận giữa hai bên, lúc bắt đầu xuất quân, người ta hay chọn một thành yếu, tướng nhỏ để triệt hạ lấy tinh thần cho quân của mình. Câu chuyện chiếc xe biển xanh ở Hậu Giang cũng tương tự như vậy. Vận mệnh đen đủi đã giáng xuống đầu một tiểu tướng có tên là Trịnh Xuân Thanh, quan phó tỉnh Hậu Giang.


Trước tiên hãy nói về phe tấn công. Phe này đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng liên minh với Trương Tấn Sang. Cặp đôi này trong nhiều năm núp dưới cái danh là diệt tham nhũng, xoá bỏ nhóm lợi ích để thanh toán các đối thủ. Tập trung quyền lực về tay mình, nhằm mục đích lập ra các nhóm lợi ích mới để kiếm lợi nhuận cho phe của mình.

Ngày 3 tháng 6, tờ Thanh Niên có bài báo phản ánh về việc Trịnh Xuân Thanh phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus trị giá hơn gắn biển xanh, đã gây ra xôn xao dư luận.

Dư luận nào xôn xao về chiếc xe như thế gắn biển xanh. Chả có dư luận nào cả, dư luận từ mồm báo Thanh Niên mà ra. Ngày nay bất cứ lúc nào người ta cũng thấy đầy những chiếc xe biển xanh sang trọng chạy trên các thành phố của đất nước này. Dư luận nào để ý đến một chiếc xe biển xanh sang trọng?

Báo Thanh Niên nêu ra, đây là việc vi phạm pháp luật, những căn cứ này phóng viên đã hỏi một vị đại tá công an thuộc phòng hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông. Người đọc một lần nữa không nhận ra một chiêu quen thuộc của Trọng và Sang ở đây, đó là ở chữ ”nguyên”.

Một vị đại tá nghe chừng tưởng là ghê, nhưng thực ra chức vụ chỉ là phó phòng của một cục. Một loại đại tá vô danh trong hằng chục nghìn đại tá về hưu. Sử dụng cán bộ về hưu, chẳng còn gì để mất, thiên hạ quên lãng, thích được người ta chú ý đến là những điểm tâm lý mà Trọng và Sang hay dùng. Những gì ở trước đại hội 12 dạng lá đơn tố cáo của Trịnh Văn Lâu đều là thủ đoạn mà Sang và Trọng đã dùng, lần này lặp lại.

Vả lại là tờ báo Thanh Niên, một tờ báo vốn dĩ thân thiết với Trương Tấn Sang. Phải gọi là tờ báo ruột của Sang đưa vụ xe biển xanh này. Trước đó tờ Dân Việt đã đưa tin vào hồi tháng 5. Nhưng không đánh động được dư luận chú ý vì lượng đọc thấp. Trọng buộc phải nhờ đến Sang hợp sức gọi báo Thanh Niên vào cuộc.

Một đấu pháp quen thuộc của cặp đôi Trọng – Sang. Tư Sang là cầu thủ mớm bóng và Nguyễn Phú Trọng thực hiện cú sút ghi bàn, báo chí đi theo cổ vũ. Cả thiên hạ bị cuốn theo vào bàn thắng diệt tham nhũng, bắt sâu và không bận tâm đến bàn thắng đó vì dân, vì nước hay vì phe phái trong Đảng.

Đối với nhân dân thì thằng quan chức nào bị xử họ cũng vui mừng, đảng cs ngày nay đừng lên vội trách vì sao dân chúng reo mừng trước việc ba cán bộ Yên Bái giết nhau. Chẳng phải chính đầu đảng Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang đã lợi dụng tâm lý nhân dân ghét cán bộ, để dành lấy sự ủng hộ qua việc thanh toán các đối thủ của mình đấy sao?

Sau khi các đệ tử ở báo Thanh Niên thực hiện chỉ đạo của Trương Tấn Sang tâng phát bóng tái khởi động sau đường ban yếu của tờ Dân Việt. Ngay lập tức Nguyễn Phú Trọng vào cuộc với vẻ rất vô tư: ”nghe báo chí phản ánh”
Màn kịch phối hợp rất nhuần nhuyễn đã che mắt được nhiều người. Chẳng ai còn ngẫm nghĩ xem rằng con người của Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến báo chí thế ư? Quan tâm thế thì bao nhiêu vụ đau thương như đứa trẻ 11 tuổi tự vẫn, cán bộ cấp cao giết nhau, máy bay rụng như sung rồi thảm hoạ cá chết, biển nhiễm độc và hàng trăm điều tệ hại khác ông Tổng bí thư có đọc không mà chẳng thấy chỉ đạo gì.

Chỉ vài ngay sau để cho dư luận ồn lên vụ xe biển xanh do báo Thanh Niên khuấy động. Con cáo già Nguyễn Phú Trọng bắt đầu vào cuộc khiến dư luận hân hoan, báo chí được thể ca ngợi sự nhanh nhạy của TBT. Trọng đứng tên chỉ đạo ban kiểm tra trung ương đảng làm rõ vụ này.

Báo chí chỉ nhắc chỉ đạo của Tổng Bí Thư, nhưng không nói rõ công văn đó thế nào. Tiện đây xin nhắc đó là công văn số 1200 -CV/VPTW cho mọi người rõ, nếu cần thiết sẽ đưa toàn bộ công văn này lên cho bạn đọc tham khảo.

Ngay từ đầu Trọng đã áp đặt hướng điều tra và báo chí kết luận Trịnh Xuân Thanh là kẻ phạm tội, trong khi đoàn kiểm tra còn chưa đi đến Hậu Giang.
Nhưng ngày 1 và 2 tháng 8 năm 2016, Tỉnh uỷ Hậu Giang không đồng ý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh với đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín có mặt đoàn kiểm tra trung ương. Đoàn kiểm tra trung ương lúc đầu đồng ý với việc bỏ phiếu kín, nghĩ rằng sẽ đạt được kết quả như mình trông đợi. Đoàn quân của Trọng sai đi đã nhổ toẹt vào cuộc bỏ phiếu mà họ đã đồng ý, dấu nhẹm việc bỏ phiếu và tự ý kết luận báo cáo về quy kết trách nhiệm sai trái của Trịnh Xuân Thanh.

Liền đó tỉnh uỷ Hậu Giang bị khiển trách việc tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh về địa phương.

Một trò quá hèn hạ của Nguyễn Phú Trọng khi không đạt được mục đích.
Thất bại ngay từ khi mở màn, Nguyễn Phú Trọng sợ mất uy thế, nên đã vội vàng bước qua hành pháp, tư pháp. Làm một điều có một không hai khiến thế giới ngỡ ngàng, một tổng bí thư của một đảng lại chỉ đạo Bộ Công An phải làm thế này, thế kia. Càng trắng trợn hơn là chỉ đạo Ban thường vụ đảng uỷ Bộ Công An chỉ đạo Bộ Công An điều tra.

Sự vội vàng của Trọng đã bộc lộ một nền tư pháp Đảng trị, làm rơi cái mặt nạ nhà nước pháp quyền mà Việt Nam thường rêu rao và hơn cả đã cho dư luận trong và ngoài nước thấy rõ đây là một vụ thanh toán chính trị chứ không phải những sai phạm hình sự. Vì nếu một công chức sai phạm về hình sự sẽ phải chịu sự xem xét của nhà nước pháp quyền, không thể theo lời phán của một ông tổng bí thư đảng.

Để lấp liếm sự vội vã của Trọng, kẻ đầu sai Nguyễn Xuân Phúc đứng ra hợp thức hoá cứu danh từ nhà nước pháp quyền mà Trọng đã dẫm đạp lên. Nhưng cũng phải mất hơn một tháng sau, ngày 31 tháng 8 năm 2016 Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo bộ công an, thanh tra chính phủ vào cuộc điều tra vụ lỗ 3000 tỷ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng tất cả là đã muộn….

Phần 2: Bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh

Kết luận của Uỷ ban kiểm tra trung ương đảng vụ Trịnh Xuân Thanh làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang có đoạn nguyên văn như sau: “Biết bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng làm quy trình tiếp theo tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh phó chánh văn phòng, Vụ trưởng, quy hoạch chức danh thứ trưởng Bộ Công Thương, Tỉnh Uỷ Viên, tham gia ứng cử đại biểu quốc hội khoá XIV là trung thực, thiếu trách nhiệm và không tự giác”.

Một nội dung đầy sự cưỡng ép của đoàn kiểm tra trung ương dưới quyền của Trần Quốc Vượng. Vượng vốn là chánh văn phòng trung ương đảng nhiệm kỳ 2011- 2016, nhiệm kỳ thứ nhất của Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Một đệ tử thân tín của Trọng từng được Trọng cất nhắc làm viện trưởng viện kiểm sát tối cao khi Trọng làm Chủ tịch Quốc hội. Khi làm TBT nhiệm kỳ 2010 Trong lôi Vượng về làm chánh văn phòng trung ương đảng.

Trong chuyến thăm Trung cộng vào hồi tháng 4 năm 2015, tờ Oriental Daily ở Hồng Kông cho biết, chuyến đi này của Trọng là học hỏi kinh nghiệm của Uỷ ban kiểm tra và kỷ luật trung ương. Thực chất tại cuộc gặp này, Trọng đã trình bày nội tình chính trị ở Việt Nam, đưa ra cho Trung cộng các nhóm có xu hướng thân Hoa Kỳ  tại Việt Nam và xin Trung cộng có ý kiến chỉ đạo.

Nhờ cuộc gặp này, Trần Quốc Vượng được bầu vào Bộ Chính Trị và giữ chức chức chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương.

Mang nặng ơn sâu nâng đỡ của Trọng, Trần Quốc Vượng đã bất chấp tất cả sự thật để vặn vẹo bằng được hình thức kỷ luật Trịnh Xuân Thanh. Mới đầu Vượng chỉ đạo đoàn Hậu Giang phải kỷ luật Trịnh Xuân Thanh về sai phạm thiệt hại 3000 tỷ thời Thanh còn làm ở PVC.

Một đòi hỏi nực cười đi tắt. Làm sao đoàn Hậu Giang lại có thể kỷ luật Trịnh Xuân Thanh một tội mà Thanh đã làm ở một cơ quan khác là Bộ Công Thương. Vì thế cuộc bỏ phiếu kỷ luật bất thành, đoàn Hậu Giang đã thẳng thắn nói.

Riêng trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, qua thảo luận, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhận thấy việc thua lỗ tại Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam từ những năm 2011-2013 do nhiều nguyên nhân. Ban chấp hành chưa có đầy đủ thông tin, không nắm rõ vụ việc này, do vậy không có cơ sở để phản biện trong quá trình kiểm điểm ông Thanh. Hậu Giang đề nghị Đoàn kiểm tra Trung ương nên làm việc cụ thể với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Vì thái độ này mà đoàn Hậu Giang đã bị trả thù một cách nhỏ nhen, nhiều cán bộ chủ chốt phải chịu nhận kiểm điểm vì tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh về địa phương.

Con đường của Trọng đi lên chức TBT ngày hôm nay có phần công lao giúp đỡ của Trịnh Xuân Giới, cha đẻ Trịnh Xuân Thanh. Trong nhiều năm ở trong tổ chuẩn bị văn kiện đại hội trước kia, Trịnh Xuân Giới đã có nhiều cống hiến cho kẻ hậu sinh Nguyễn Phú Trọng hoàn thành trách nhiệm soạn thảo văn kiện. Nhờ đó Trọng có được điểm son để đi những bước sau này.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016 bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh dưới sức ép của Ban bí thư, Bộ Chính Trị, Tổng Bí Thư đã phán xét về con đường quan lộ của Trịnh Xuân Thanh.

Sơ bộ thì có thể khẳng định vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được điều động, bổ nhiệm có nhiều dấu hiệu cho thấy có sai phạm, vi phạm trong chính sách cán bộ của Đảng, Nhà nước”. Việc bổ nhiệm và điều động ở đây là việc luân chuyển Thanh là phó chủ tịch Hậu Giang. Thế còn những bổ nhiệm trước đó tại sao không ai nhắc đến, mặc dù những bổ nhiệm đó đều dưới thời Trọng làm tổng bí thư?

Đến đây chúng ta mới thấy cái sự thật bạc bẽo của tình nghĩa đồng chí của những người cộng sản với nhau và vì sao Trịnh Xuân Thanh thành con vật tế thần như vậy.

Mới đầu thì Trịnh Xuân Thanh không phải là lựa chọn của Nguyễn Phú Trọng làm dê tế thần ghi điểm son cho mình. Với những tình nghĩa với ông Trịnh Xuân Giới là người anh đã giúp đỡ mình và còn là người đồng hương thân thiết, Trọng đã không hề ý kiến gì trong quá trình thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh trước kia và cả những sai phạm của Thanh.

Chính vì thế, những người đề cử Thanh cũng nghĩ tới chuyện ân tình của ông Giới để lại cho Trọng mà bổ nhiệm Thanh không chút ngại ngần.
Nếu Trịnh Xuân Thanh không phải là người từng làm việc dưới quyền của Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Thanh có sai phạm làm thua lỗ cũng không chắc bị kỷ luật. Bởi những thua lỗ trong kinh doanh này đã được làm rõ ở những văn bản sau:

Báo cáo số 05/BC-XLDK ngày 28 tháng 5 năm 2014
Báo cáo số 18/DKVN-HĐQT ngày 6 tháng 8 năm 2014
………
(và một số báo cáo nữa)

Tất cả các báo cáo và cũng như bản kết luận đều khẳng định nguyên nhân thua lỗ là do khách quan của thị trường, bởi tính hoạt động kinh doanh thuần tuý. Cá nhân Trịnh Xuân Thanh có lỗi nhưng không đến mức chịu hình thức kỷ luật.

Nhưng thời thế thật không may cho Trịnh Xuân Thanh. Trong lần gặp Tập Cận Bình năm ngoái, Trọng đã cam kết nếu Trung cộng ủng hộ Trọng tiếp tục làm TBT, Trọng sẽ thực hiện mong muốn của Trung cộng là loại trừ những thành phần có ý ngả về phía Hoa Kỳ trong nội bộ đảng. Đưa tin về chuyến đi này, tờ Tân Hoa Xã có hẳn một bài xã luận trong đó có đoạn: ”một số ít người trong hệ thống chính trị Việt Nam bị các thế lực bên ngoài lừa dối và trở thành những kẻ đồng lõa,”
“Con đường khả dĩ nhất phía trước của Bắc Kinh và Hà Nội là xây dựng lòng tin lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và hãy để cho thực tế và những con số giúp cho những ai bị đánh lừa tìm lại lý trí của mình vào biến những kẻ ác độc thành trò cười.”

Điều mà tờ Tân Hoa Xã muốn nói là gì, là lời cảnh báo trước những người có xu hướng thân Hoa Kỳ sẽ bị trừng trị tới đây.

Người dân Việt Nam có thể vui mừng khi thấy Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm đả hổ diệt ruồi, nhưng chắc chắn họ sẽ đau buồn và căm phẫn hơn khi biết đằng sau chiến dịch này của Nguyễn Phú Trọng là thực hiện lệnh thanh trừng của Trung cộng đối với những kẻ ”bị thế lực bên ngoài lừa dối, tiếp tay đồng loã cản trở quá trình hợp tác Việt – Trung”.

Vũ Huy Hoàng người đại diện cho Việt Nam ký kết TPP với Hoa Kỳ. Đinh La Thăng người ủng hộ trường đại học Fulbringht của Hoa Kỳ và mới đây công khai ủng hộ việc đình công của công nhân. Cả hai con người này đều từng là cấp trên của Trịnh Xuân Thanh.

Vì muốn triệt hạ những đối tượng như Hoàng, Thăng để chiều lòng quan thầy Trung Cộng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫm lên tình cảm mà ông Giới cha Thanh đã để lại. 

Đấy là điều bất ngờ nhất đối với Trịnh Xuân Thanh và những người liên quan bổ nhiệm Thanh. Họ không nghĩ rằng Trọng sẽ làm điều bất nghĩa như vậy để tấn công họ bằng cách chọn Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng chính trị vốn tàn khốc, con người như Trọng nếu không làm những điều bất nghĩa, bất nhân theo lời quan thầy Trung Cộng, làm sao có thể làm được Tổng Bí Thư nhiệm kỳ thứ hai khi đã quá tuổi?

Bây giờ thì Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?

Một câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết. Nhưng câu hỏi hay hơn phải là tại sao không ai biết Trịnh Xuân Thanh ở đâu. Cả một rừng thiên la địa võng giăng như thế, Trịnh Xuân Thanh biến mất đầy bí ẩn.

Có lẽ anh ta ngồi trong một nơi an toàn nào đó, gửi thư tới báo Thanh Niên đề nghị công bố lá đơn của anh ta xin ra khỏi đảng, không phải vì nhận khuyết điểm của mình mà với lý do không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, bởi sự trù dập lộ liễu ra hai văn bản chỉ đạo liên tiếp nhau, không triệt hạ được anh ta vụ này thì bới ra vụ khác.

Nhưng cũng có thể anh ta đóng giả một độc giả đến mua sách Đại Vệ Chí Dị trong buổi ra mắt sách ở Houston vừa qua. Cuộc đời thì mọi cái đều có thể.

Nguyễn Phú Trọng đang hừng hực khí thế, say sưa với chiến thắng, vờn con mồi như một võ si đấu bò vờn con bò trước khi xiên nhát quyết định hay một con mèo vờn chuột trước khi ra đòn kết liễu cắn cổ. Bỗng nhiên những ngày nay Trọng im bặt, bởi con dê tế thần Trịnh Xuân Thanh không biết bây giờ ở đâu. Phương án dùng Thanh để tấn công phe kia thất bại. 

Trọng tính kế gì?

Đó là lý do vì sao Trương Tấn Sang xuất hiện mới đây, ca ngợi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đòi lớn tiếng xử lý những kẻ đi ”chệch hướng con đường cách mạng CNXH” và đòi hỏi ai đó phải bỏ ”tay chèo”.

Phần ba:


Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy sự đê tiện của Nguyễn Phú Trọng. Thử hỏi trong các uỷ viên trung ương Đảng và các bà con làng xóm nhà Trọng, Giới… ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó. Trọng chỉ đạo làm rõ việc Trịnh Xuân Thanh là ai, ai bổ nhiệm… từ một bài báo trên tờ Thanh Niên.
Cái cách của Trọng như vẻ ta không biết gì về thằng ranh con Thanh ấy, hôm nay thấy báo chí phản ánh, thì chỉ đạo làm rõ kỷ luật để làm gương.
Chính cái kiểu đó gây phẫn nộ cho nhiều người biết về quan hệ giữa gia đình Nguyễn Phú Trọng và Trịnh Xuân Thanh.

Còn dân chúng không biết về mối quan hệ này, họ đứng xem. Thằng nào chết họ cũng mừng, mà trong những vụ như thế, thằng càng to chết thì càng mừng.

Hãy xem trình tự của việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh dựa trên chủ trương của Đảng. Đây là ý kiến của Bộ Chính Trị đã nhất trí đồng ý và Lê Hồng Anh là người  thay mặt tập thể Bộ Chính Trị khoá 11 ban hành.

Văn bản ghi rõ viêc thực hiện này giao cho Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng CSVN thực hiện.

Tiêu đề của bài báo ở trong ảnh đưa rõ lại ở đây.



Th
am mưu tốt công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp
17:54′ 5/11/2014

Thực hiện chương trình công tác, ngày 5-11-2014, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ; đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Lãnh đạo các vụ, đơn vị trong Ban ở 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh tham dự

Bài báo đưa chi tiết về sự chặt chẽ, cẩn trọng của Ban tổ chức trung ương khi thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Chính Trị giao.

Căn cứ trên những quyết định của BCT và tiêu chuẩn của Ban tổ chức trung ương. Tỉnh Hậu Giang do nhu cầu cần xin thêm một phó chủ tịch, đã làm đơn đề nghị. Chuyện đơn vị cấp dưới xin bổ sung thêm người và đưa tên luôn ai đó là một đề xuất bình thường. Có những trường hợp cấp trên bác đơn hoặc cử người khác về thay thế. Nhưng thông lệ trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản thì khi cấp dưới đề nghị xin xỏ nhân sự thường nêu luôn tên người để cấp trên tiện giải quyết.

Đấy là những điều mà bí thư Bảy Chắc dãi bày với báo chí.

Về nguyên tắc, phải thông qua tập thể Thường vụ ngay từ đầu. Nhưng sau đó, chúng tôi có báo cáo đàng hoàng, chứ không phải bao che, bưng bít, chạy chọt để lo chuyện đó cả. Mặc dù mình là người kế thừa nhưng dẫu sao, trước đây, tôi vẫn là Thường trực Tỉnh ủy. Tôi nghiêm túc nhận cái này.
Về việc thiếu thẩm tra trước khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi có nhận xét đầy đủ của Ban cán sự Đảng bộ Công Thương và đồng chí này có quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công Thương. Quy hoạch thì Trung ương ký, tôi đâu ký được. Tôi nghĩ như thế là đầy đủ rồi.

Hậu Giang từ khi tách tỉnh, các đồng chí cán bộ luân chuyển về, chưa bao giờ được đi thẩm định các đồng chí này. Tôi nghĩ rằng, Trung ương đưa về thì các đồng chí này đã đủ tiêu chuẩn để đảm trách các vị trí chủ chốt. Cho nên từ xưa đến nay, chưa có xác minh nào đối với cán bộ luân chuyển.

Thẩm tra, xác minh trước khi nhận, tôi không biết công việc này có đúng thẩm quyền của Hậu Giang hay không? Vì vậy, đề nghị Trung ương nên nói rõ về việc này. Nếu thấy rằng, việc không thẩm tra, không xác minh là sai sót của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hoặc cá nhân đồng chí nào, chúng tôi nghiêm túc nhận sai sót, rút kinh nghiệm trong thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm luân chuyển hay thuyên chuyển cán bộ.

Theo nguyên tắc, đối với cán bộ hàm Vụ trưởng có quy hoạch Thứ trưởng thì do Trung ương, trong đó có Bộ Nội vụ trực tiếp quản lý, không thuộc đối tượng chúng tôi trực tiếp quản lý.

Ông Chánh bí thư Hậu Giang (tức Bảy Chắc) đã khẳng định việc ông xin người là xin, còn việc thẩm tra là của Trung Ương.

Thấy phần lỗi thuộc về Ban tổ chức Trung ương, đoàn kiểm tra trung ương đã trở mặt quay ngoắt sang đổ lỗi là tại Trịnh Xuân Thanh trong bản kết luận của đoàn đến Hậu Giang làm việc.

Biết bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng làm quy trình tiếp theo tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh phó chánh văn phòng, Vụ trưởng, quy hoạch chức danh thứ trưởng Bộ Công Thương, Tỉnh Uỷ Viên, tham gia ứng cử đại biểu quốc hội khoá XIV là trung thực, thiếu trách nhiệm và không tự giác”.

Như thế nào là không đủ quy định , đối chiếu với thông báo của Bộ Chính Trị mà thường trực Ban Bí Thư Lê Hồng Anh ký kia thì Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn đủ cơ sở.

Còn về việc thất thoát 3000 tỷ ở PVC. Ban tổ chức Trung Ương lẽ nào không biết đến bản báo cáo về vụ việc này của Bộ Công Thương và kết luận của thủ tướng chính phủ đã đánh giá sự việc và nhất trí không kỷ luật Trịnh Xuân Thanh.

Việc Trịnh Xuân Thanh liên quan đến vụ lỗ này thế nào, sẽ có bài viết trình bày rõ ràng, nếu có những bằng chứng xác thực Thanh dính dáng đến thất thoát 3000 tỷ, có lẽ chả ai dám bao che cho Thanh lúc đó. Và đoàn kiểm tra trung ương bây giờ cũng không phải đánh vật tìm cách kết tội Trịnh Xuân Thanh. Đến nỗi dưa sang cả Bộ Công An định bắt mà Viện Kiểm Sát không đồng ý.

Tất cả đều hợp lý đến nỗi, đoàn Hậu Giang khi bị kiểm tra vụ tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh này đã ngạc nhiên đến nỗi ra trung ương hỏi Phạm Minh Chính trưởng ban tổ chức trung ương bây giờ và là uỷ viên Bộ Chính Trị rằng.
– Tại sao lại có chuyện kiểm tra này?

Phạm Minh Chính cười nhạt đáp.
– Thì chuyện nó thế thì nó thế, chết một thằng đã sao.

Chuyện nó thế ở đây là thế nào, là Nguyễn Phú Trọng muốn thế thì phải thế. Muốn ai sai thì người đó thành sai. Trọng đang cần thể hiện quyền uy để nuốt lời hứa sẽ về hưu sau hai năm ở lại làm TBT.

Chuyện nó là đến hàng xóm, thân tình Trọng cũng giết đừng nói thằng khác.
Và chuyện nữa là giết Trịnh Xuân Thanh để tiến tới tấn công những phe thân Mỹ còn sót lại trong đảng.

Chuyện nó thế là trong đại hội trung ương 13, lúc còn gay gắt nhất chưa ngã ngũ. Nguyễn Phú Trọng đi lên bậc có hai cảnh vệ đỡ. Bí thư Hậu Giang đã nói thẳng rằng.
– Anh Trọng đi còn không nổi, anh về đi làm nữa làm gì.

Câu nói này của bí thư Hậu Giang ở hội nghị trung ương 13, để cho các cán bộ hội nghị trung ương 13 lúc đó thẩm định độ đúng sai. Trước khi đưa ra lời nhận định, hãy thề trước con cái và tổ tiên mình. Còn những loại bồi bút, dư luận viên, tay sai của đảng nhận định thế nào không đáng quan tâm.

Nguyễn Phú Trọng liêm khiết, hiền lành ư?

Đừng mơ, con cáo già ấy còn dạy cho các đệ tử nào nghĩ Trọng không biết gì đến tiền bằng cách có một không hai. Ông Năm Hùng trong Nam ra trung ương gặp Trọng, đưa phong bì vài chục triệu. Trọng cười nhạt bảo.
– Thôi bọn mày cất đi, bọn mày trong đó làm gì có tiền mà biêú anh.

Nói rồi Trọng lấy một xấp 10 ngàn usd đưa cho Năm Hùng, bắt phải nhận đây là quà của anh.

Câu chuyện Năm Hùng về kể làm cho các anh Hai Nam Bộ bừng tỉnh, hiểu rằng TBT nhà ta cũng sành chơi lắm. Từ đó mức lễ lạt cứ vô tư vượt mức tình cảm, 50 đến 100 ngàn usd là chuyện thường. Hoặc những công việc khác để lại phần khủng nào đó cho anh Cả chẳng phải sợ anh ấy liêm khiết không nhận.

Từ Houston đến Berlin

Buổi bán sách ở Houston có khoảng 80 người tham dự, số sách mang đến cũng chừng đó.

Tôi và anh Nguyễn Văn Hải, sẽ gọi anh bằng tên quen thuộc là Hải Điếu Cày ngồi nói chuyện với các độc giả gần 2 tiếng đồng hồ. Phần bán sách diễn ra trong khoảng một thời gian rất ngắn, người mua vây quanh để chờ chữ ký tặng.

Có một chị phụ nữ mua một cuốn sách, chị bảo mua tặng cho ba chị. Tôi hỏi tên cụ là gì để ghi tặng. Chị nói tên ba chị là Khuất Duy Trác.

Tôi ký tặng trên sách rồi tần ngần hỏi.
– Bố chị tên như một ca sĩ ấy.

Chị cười.
Em cũng biết à, bố chị là ca sĩ.

Tôi hớn hở khoe.
– Em thích nghe bố chị lắm, nhất là bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương mà cụ hát, không ai có thể hát tâm trạng hơn ông bài đó.

Chị cười.
Bố chị người Sơn Tây mà.

Trong cái lúc mải nói đến người ca sĩ mà mình hâm mộ từ nhỏ, tôi không để ý đến một người đàn ông nói nhỏ bên cạnh tai tôi. Anh ta mua một cuốn mà chỉ cần đề chữ thân tặng. Khi trả tiền anh ta để lại một phong bì lớn loại hay chứa tài liệu nói.
Gió cầm đọc chơi.

Anh ta trả 30 usd cho cuốn sách như bao người khác và đi mất trong đám đông người đang tíu tít mua sách và đề nghị ký tên, chụp ảnh cùng tôi và anh Hải. Thực sự lúc ấy tôi như một cái máy, ký tên, cầm tiền, chụp ảnh, chào hỏi …tôi không để ý gì đến tập hồ sơ. Thậm chí tôi cũng không biết đó là hồ sơ, vì trước đó có hai người tặng tôi hai cuốn sách họ viết, cũng để trong túi giấy. Tôi nghĩ anh ta là một nhà thơ khiêm tốn nào đó, trong những năm tháng sống trên xứ người, ra một tập thơ nhỏ để khuây khoả làm kỷ niêm. Tôi đã từng nhận rất nhiều tập thơ, sách như thế. Tôi chỉ loáng thoáng anh ta gần 60 tuổi và hơi gầy, có vẻ nhanh nhẹn.

Tôi trở về Đức rất vội, bởi đêm hôm trước đi nghỉ cách ngoài bãi biển cách Houston hơn 100 cây số, đến trưa thì về và chiều thì ra sân bay. Nửa tiếng đồng hồ sắp đồ tôi nhét tất tận giấy tờ, sách vở vào hành lý ký gửi, những thứ không quan trọng. Những gì quý hơn tôi để trong vali xách tay.

Về lại Berlin, tôi nằm ngủ li bì, hai hôm liền chỉ có ăn và ngủ vì chuyến đi xa và múi giờ lệch. Ngày thứ ba tôi phải chuẩn bị đi xa đến thành phố Damstadt để dự một cuộc nói chuyện về tự do sáng tác tại Việt Nam. Sau đó tôi đi Muenchen chơi ở nhà người bạn.

Thứ hai  ở Muenchen tôi nhận được một cú điện thoại,  chả nhớ là ngày bao nhiêu, chỉ nhớ hôm thứ sáu là ngày 26 tháng 8 tôi ở Damstadt. Người gọi điện giới thiệu là một bạn đọc của tôi nhiều năm, anh ta hỏi việc đi Mỹ bán sách Đại Vệ Chí Dị có thành công không, rồi anh ta nói có nhận được gì bên đó không. Tôi cứ nghĩ anh ta hỏi nhận về quà cáp nào đó nên gật đầu, bởi có vài chiếc áo Phản Đối Formosa, một chiếc túi hiệu hàng hiệu Kross gì đó, một tờ 2 usd tuổi đời đã 100 năm, kính đeo mắt…và sách..của nhiều người tặng tôi hoặc nhờ tôi chuyển hộ ai đó.

Anh ta nói nhận rồi chắc chưa kịp đọc phải không, cố đọc rồi anh em mình gặp nhau nhé, ở đâu cũng được.

Tôi nhớ ra tập hồ sơ của người mua sách để lại ở Houston. Mỗi lần đi, hoặc ở nhà có bưu kiện gửi thỉnh thoảng tôi nhận được những tập hồ sơ, loại hồ sơ về quan hệ Việt Mỹ, quá trình tiến hành TPP, về các hoạt động đấu tranh đòi nhân quyền cho tù nhân lương tâm nào đó, cả những thông tin về các hội nghị trung ương nữa…có khi là hồ sơ của những cá nhân là cán bộ, hoặc gia đình cán bộ bị lấy đất hay bị trù dập thành dân oan.

Tôi trả lời khi về lại Berlin tôi sẽ đọc. Về đến Berlin, hôm sau tôi mới trở tập hồ sơ đó ra. Đấy là những công văn, thông báo, báo cáo liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Lúc này tôi mới để ý trên báo chí đang rầm rộ đưa tin kỷ luật phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh theo chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Một vụ thanh trừng đấu đá và một thằng quan nhỏ trở thành dân oan, chuyện quá cũ, tôi có cả đống hồ sơ như thế mà chưa có thời gian để đọc.

Người đàn ông gọi điện hôm trước lại gọi điện, số điện của tôi rất dễ dàng tìm thấy. Tôi vẫn theo thói quen ở Việt Nam dùng hai điện thoại và hai số. Số điện thoại ở chiếc iPhone 6 plus là số điện thoại thông thường, còn dành cho những việc quan trọng ở chiếc Nokia đời ơ kìa màn hình đen trắng. Một thói quen duy nhất mà hơn 3 năm rời quê hương tôi vẫn chưa bỏ được. Vì anh ta gọi vào số của chiếc iPhone nên tôi không bận tâm đến chuyện vì sao anh ta có số của tôi.

Chúng tôi hẹn nhau găp nhau, anh nói ở xa Berlin, hẹn tối hôm sau sẽ gặp ở quán cà phê ở một nơi mà hầu như chảng có người Việt ở quanh đó.
Tôi đến hẹn sớm, thói quen hẹn với người Đức cũng là thói quen hẹn với người lạ đến xem để nhìn địa hình có từ hồi ở Việt Nam. Mẹ kiếp, nhà tù và giang hồ là hai thứ ám ảnh người ta lâu nhất trong cuộc đời. Sự đề phòng ngấm vào da thịt thành bản năng chứ không phải bản thân mình chủ ý làm như vậy. Đôi khi chọn chỗ ngồi cứ vô tình chọn chỗ nào dễ thoát thân, dễ xoay sở nhất và dễ vớ được đồ đạc gì gần đó nhất để cần cái là phang đập được ngay.

Hai người đàn ông đến gặo tôi, một người cao ráo, săn chắc tuổi chừng 50. Tôi bất chợt nghĩ đến vóc dáng của người để lại tập hồ sơ bên Houston, cái tác phong của người này từ đi đứng, ngồi đều giống người kia. Tuổi họ cũng trạc như nhau. Anh ta ngồi thoải mái, hai tay dang vắt trên thành ghế, dường như anh ta không biết tiếng Đức nhiều khi người bồi bàn hỏi chúng tôi uống gì.

Nhưng anh ta không bối rối vì việc trả lời người bồi bàn, hầu hết những người Việt không rành tiếng Đưc ít nhiều lúng túng khi gặp trường hợp như vậy, anh ta thản nhiên như không. Điều đó có nghĩa anh ta đã từng đi nhiều nơi trên thế giới này mà chẳng rành tiếng.

Người đàn ông kia thì lịch thiệp và sang trọng, ông ta khoảng 65 tuổi, to béo như nhiều ngươì ở tuổi ông. Chính ông ta là người hẹn tôi đến nói chuyện. Ông ta giỏi tiếng Đức, ông ta đặt đồ uống cho chúng tôi. Ông ta ngồi đối diện, còn người khoẻ mạnh kia thì ngồi bên cạnh ở cái tư thế thoải mái mà tôi đã nói. Cái tư thế xoà hai cánh tay rắn chắc trên thành ghế như hai con rắn hoặc hai chiếc cánh đại bàng rất dễ để làm việc gì đó.

Nhiều bạn nghĩ tôi đang trầm trọng hoá vấn đề. Không, tôi chẳng có gì phải trầm trọng sự việc, tính tôi khoái nhất là biến những chuyện trầm trọng thành một chuyện tầm phào, có lẽ cái năng khiếu nhất của tôi là như vậy.

Người đàn ông lớn tuổi sau màn chào hỏi thân thiện, ông ta biết rõ về tôi, thậm chí là cả thời tôi còn trẻ. Ông ta nhắc nhiều đến những thứ mà tôi thích hay trân trọng. Khi người bồi bàn mang đồ uống đến và quay đi, ông ta bắt đầu vào câu chuyện chính bằng một giọng nói nhẹ nhàng và khá êm ái.
Bọn anh đọc Gió nhiều năm nay (bọn anh? tôi ngẩn người), nhất là trong suốt năm ngoái. Nay có việc như thế này, đấy Gió cũng đọc rồi, Gió nghĩ sao?

Tôi ngồi nghĩ, rồi bảo em cũng không biết sao nữa. Anh đọc em nhiều, thì biết em chỉ là một thằng ất ơ chém gió thôi, tuỳ hứng, tuỳ tâm trạng.

Người đàn ông lấy trong cặp ra tờ đơn đưa cho tôi và nói.
Đây là đơn của thằng Trịnh Xuân Thanh, Gió xem qua đi.

Tôi đọc tờ đơn, tôi không ngờ trình độ của một người là phó chủ tịch tỉnh, hàm thứ trưởng thuộc diện trung ương quản lý mà lỗi chính tả và câu cú nhiều chỗ lởm khởm hơn cả tôi.

Tôi chỉ phàn nàn về những cú pháp trong lá đơn, người đàn ông nói.
Thì thằng Thanh nó là dân kinh doanh, đâu phải dân viết, nếu Gió sửa được cho nó thì sửa, để ngày một ngày hai sẽ gửi trung ương và báo chí.

Tôi lắc đầu từ chối.
Nếu là của Thanh, cứ kệ thế đi, người khác viết đơn văn phong khác, người ta kêu không phải là thật. Thế giờ Thanh nó ở đâu ạ anh.

Người đàn ông nói.
Tờ đơn theo Gió là để vậy không cần sửa cũng được, còn Thanh bây giờ nó ở chỗ an toàn, nếu nó không ra thì chẳng ai bắt được nó.

Một người trí, tuệ sắc sảo và từng trải, tôi nhận xét về người đàn ông đang trả lời mình trong đầu. Tôi đã nhồi cả hai ý trong một câu, đó là về lá đơn không cần sửa và Thanh đang ở đâu. Ông ta trả lời rành rọt cả hai câu theo đúng trình tự, ngắn gọn và rõ ràng một cách tự chủ và kiểm soát.

Tôi hỏi ông ta muốn tôi giúp gì lúc này. Ông ta nói tôi hãy đưa lá đơn này lên trang blog của tôi, chỉ cần vậy thôi.

Tôi thoái thác, tôi nói blog tôi chả ai đọc, chỉ là những người dân đen bình thường họ đọc giải trí. Ông ta cười động viên.
Tất cả những người như chúng tôi, đọc của Gió rất nhiều, để giải trí mà, vì chúng tôi làm việc căng thẳng lắm, nhiều khi sáng đến chỗ làm toàn giở của Gió ra đọc. Đọc Đại Vệ Chí Dị vui lắm, tuy có nhiều cái không đúng, nhưng cơ bản là sát vấn đề.

Tôi hơi giật mình khi nghe câu ”cơ bản là sát vấn đề”. Hơn ba năm tôi xa quê hương, đi bao nhiêu nơi trên thế giới này, gặp bao nhiêu người Việt tôi không nhớ, hàng trăm cuộc nói chuyện liên quan đến những đề tài chính trị, nhân quyền, viết lách… tôi chưa thấy ai dùng từ như vậy.

Có chăng là tôi từng nghe những cụm từ ấy ở Việt Nam, thứ ngôn ngữ của những người có quyền uy.

Tôi lại thoái thác lần nữa.
Cái này không như Đại Vệ, viết là chuyện sáng tác, còn đây là văn bản phải cần độ đảm bảo, nếu người ta nghĩ không phải là Thanh viết thì làm sao, khó cho em, tự nhiên em mất uy tín.

Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi bây giờ mới xen vào.
Gió yên tâm, Thanh nó viết, anh sẽ cho em gọi nói chuyện với Thanh.

Tôi đề nghị nếu được thì gọi nói chuyện có hình (vì làm sao tôi biết được giọng của Trịnh Xuân Thanh), yêu cầu được thực hiện. Người đàn ông gọi cho một ai đó hỏi thăm này nọ, và rồi Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên màn hình viber.

Thanh mặc chiếc áo phông màu vàng nhạt như là trắng, bút máy gài túi. Mái tóc xoăn gọn gàng chứ không xoã xượi như ảnh trên báo. Anh ta chào tôi, sau vài câu xã giao tôi giơ lá đơn lên và hỏi cái này của anh chứ, anh ta gật đầu.

Chúng tôi nói chuyện dài thêm một hồi, máy vẫn để đó để Thanh nói chuyện cùng. Tôi không hứa điều gì cả, tôi bảo tôi về nghĩ lại.

Chúng tôi chào chia tay nhau, trời đã khuya. Khi ra về họ bàn nhau chuyện đêm đói, rồi gọi thêm món đồ mang đi theo về.

Tôi nghĩ đêm nay họ ở khách sạn, nếu ở đây họ là những người độc thân. Chẳng mấy ai có gia đình, vợ con ở đây mà tính chuyện mang theo gì để về nhà đêm ăn cả. Khi họ đi rồi, tôi ngước nhìn chiếc máy camera của tiệm, tôi thấy không cần thiết mai nhờ người đến xin hình ảnh, phức tạp thêm. 

Chuyện chắc chả có gì nghiêm trọng, thêm một người nữa biết mặt họ chẳng cần thiết gì. Nhưng thoáng giây lát tôi nhớ ra người đàn ông ngồi cạnh cũng đã nhìn chiếc camera đó, có nghĩa hiểu tôi sẽ không làm gì phiền tới họ. Gặp những người lạ quá hiểu mình không phải là điều dễ chịu tí nào với tôi.

Đêm ngày 3 sang ngày mùng 4 tôi không ngủ, tôi cầm tờ đơn của Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi đảng và tập hồ sơ tôi nhận ở Houston. Cái suy nghĩ duy nhất của tôi là.

Những con người này rất giống nhau, và điều giống nhau nữa là họ có thể gặp tôi bất kỳ đâu dù là Hoa Kỳ hay Đông Nam Á, chẳng phải chỉ ở Châu Âu này.

Đêm đó tôi nằm trằn trọc, rồi lại ngồi dậy pha trà hút thuốc liên miên.
Có nhiều cách đấu tranh, tôi thích gọi là cuộc chơi hơn từ đấu tranh dân chủ. Cách đấu tranh thứ nhất là chỉ cần lên mạng với được tin tức gì đó, chửi dăm ba câu, chửi càng tục càng tốt, kiểu như đxx mẹ thằng Hồ Chí Minh là thằng bán nước hại dân, bọn chó cộng sản dã man … abc này nọ. Cách này đơn giản, không phải nghĩ nhiều, cũng không phải tốn thời gian, công sức và tiền bạc.

Cách đó không bị mang tiếng gì trong giới ” đấu tranh ”, tinh thần thể hiện hăng hái thế còn gì nữa.

Cách nữa là thỉnh thoảng làm bài phê phán nhè nhẹ về đường lối cộng sản VN. Mang vẻ ôn hoà, trí thức được lòng tất cả, mà cộng sản cũng không ghét mình lắm. Đôi khi gửi vài trăm usd về làm từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Cách cao thủ hơn như nhiều trí thức, nhà báo làm là ủng hộ công việc chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, giả vờ như không biết đấy là cuộc thanh trừng nội bộ. Coi đó là chống tham nhũng thật và hùa theo nguyền rủa những kẻ bị hạ bệ. Dân chúng Việt Nam vốn đa phần ít cần tìm hiểu, với họ cứ có tên quan tham nào mang ra xử là họ vỗ tay mừng. Cách này vừa được lòng bọn đang mạnh mà vừa được lòng dân. Phần lớn những kẻ làm báo bây giờ thường chọn cách này.

Trong bối cảnh tâm thức của dân trí vừa thích cảnh chém giết, vừa e sợ chế độ cộng sản, vừa chỉ muốn ngóng tin nóng hổi để thoả mãn như trò giải trí. Chế độ thì đang năm phe, bảy phái, Những người cầm bút có cả một khoảng rộng để thể hiện vừa được danh, vừa được tiền, vừa được an thân.

Cách đấu tranh khác là viết bài, lên tiếng, tham gia những phong trào xã hội dân sự, đòi hỏi đa đảng đa nguyên như bao nhiêu người đang làm.

Trịnh Xuân Thanh chỉ là một thằng quan trong chế độ cộng sản, hắn cũng tham nhũng, cũng đục khoét. Bây giờ thì đồng đội của hắn xử hắn để dành lại thị phần kiếm chác. Cớ gì phải dây dưa với hắn. Không khéo mang tiếng nhận tiền, là người của phe nọ, phe kia. Trong khi cái thế của tôi đang không hề bị vẩn đục gì?

Tôi quyết định từ chối.
Sáng hôm sau, tức ngày 4 tháng 9. Những người đàn ông kia gặp tôi để nhận câu trả lời.

Thật lạ là họ không ngạc nhiên gì khi thấy tôi từ chối khi câu chuyện bắt đầu. Tôi thấy việc lẽ ra rất gấp với họ, thế nhưng họ tiếp cận tôi rất bình tĩnh và thong thả. Từ lúc ở Houston đến cú điện thoại ở Muechen và cuộc gặp ở Berlin này.

Người đàn ông lịch thiệp nói.
Gió nghĩ xem, giả dụ bây giờ thằng Thanh đến cơ quan như bình thường, nó không ý kiến phản bác, bằng lòng nhận tội. Chấp nhận làm con dê cho Trọng làm thịt. Mặc dù nó có những bằng chứng để gỡ tội cho mình, nhưng nó nhận tội giúp cho Trọng được thoả mãn.

Ông ta dừng lại nhìn tôi rồi tiếp.
Thì phong trào dân chủ mà cậu theo đuổi được cái gì?

Tôi né trách nhiệm, bởi chả có gì bắt tôi phải trách nhiệm cả.
Em không phải là người lý tưởng, em không quan tâm, em có phận của mình, cứ thế này em chém gió cũng vui. Thằng Thanh đấy teo là việc của nó, cả đàn anh của nó cũng thế. Anh có thể đưa tin cho RFA, BBC, VOA, RFI hay những tờ mạng khác rất nhiều người đọc.

Người đàn ông mỉm cười độ lượng.
Đúng là có thể đưa tin cho nhiều nơi, nhưng chúng tôi muốn Gió đưa. Vì cậu là dân đen, tiếng nói của cậu là tiếng nói của người dân bình thường. Tôi hỏi Gió, có thật cậu nghĩ rằng Thanh bây giờ cứ ra để Trọng xử. Cái đó sẽ mang lại điều tốt cho cái mà cậu theo đuổi không, cậu không có lý tưởng gì như cậu nói? Cứ cho là vậy, thế còn những người bạn của cậu. Họ sẽ có lợi gì hay cuộc tranh đấu của họ càng khó khăn hơn nếu một kẻ như Trọng vững vàng giữ chế độ cộng sản.

Tôi lặng im không trả lời, người đàn ông nói về các cuộc diễn biến cách mạng trên thế giới, ông ta nói về tình hình và khả năng của những người đấu tranh dân chủ. Ông ta nhận định rất chính xác và thẳng thắn về khả năng của phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam.

Cuối cùng là khả năng thay đổi đất nước diễn ra ở tầng lớp nào khả dĩ nhất.
Ông ta ngừng lại để tôi hút điếu thuốc nghĩ ngợi. Tôi nghĩ nếu Trịnh Xuân Thanh nộp mình cho Trọng và nhận rõ sai trái, xin đảng khoan hồng. Những người anh em đấu tranh của tôi chả được cái gì. Chỉ có bọn bồi bút đang lăm le chờ đợi điều đó để tung hô Nguyễn Phú Trọng là người liêm khiết, người có thái độ rõ ràng, chúng sẽ ca ngợi sở dĩ chế độ cộng sản này, đất nước này chưa đi lên được vì chưa có người cộng sản chân chính như Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm. Giờ đây ngài TBT đã thể hiện sự mạnh mẽ của mình làm trong sạch đảng và dành được cảm tình trong dân chúng. Uy tín của ngài và đảng của ngài càng được vững chắc.

Quyền và danh vọng của Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản VN càng lớn bao nhiêu, thì sự yếu ớt của phong trào xã hội dân sự , đòi đa nguyên, đa đảng sẽ kém đi bấy nhiêu. Đấy là điều rõ ràng không phải nghĩ nhiều.

Tôi nghĩ một hồi rồi hỏi.
Liệu Thanh nó dám chơi đến cùng không, giờ đang lưng chừng nó ra nhận tội, thế thì mình thành trò cười cho thiên hạ. Bọn Trọng nó càng được thể huênh hoang, đấy, cưỡng không lại, phải ra xin xỏ thế này thế kia. Em muốn nói chuyện với Thanh lần nữa.

Phải loay hoay 20 phút chúng tôi mới gọi được Thanh, tôi hỏi ông có dám chống lại thằng Trọng đến cùng không. Vì nếu không thì thôi, bỏ luôn bây giờ đi còn kịp.

Thanh mắt long nói.
Tôi gọi điện cho bọn Thanh Niên đọc nguyên văn cái lá đơn rồi, bọn này nó không dám đăng đâu. Ông đưa lên hộ tôi.

Tôi nói.
Khi tôi đưa lên, ông chẳng còn đường lùi nữa đâu.

Cả Thanh và hai người đàn ông đều bật cười trước câu hỏi ngô nghê của tôi. 

Họ cùng nói.
Không lùi, Gió yên tâm.

Tôi không phải ngô nghê gì mà không biết chuyện chẳng còn dường lùi khi lá đơn được công bố. Chẳng qua tôi muốn khi người ta bảo mình giúp việc gì dù nhỏ mà hệ trọng đến cuộc đời họ, tôi hỏi lại để mình không mang tiếng gì thôi.

Bây giờ thì tôi vẫn có thể từ chối. Lần nữa cái ý nghĩ so đo lại hiện lên trong đầu tôi. Tự nhiên tôi dấn vào cái việc này làm gì, cuộc thay đổi chắc gì đã đến, nếu nó đến thì một phe kia lên chắc gì đã có thay đổi. Chả có gì đảm bảo cả, trong khi tự nhiên mình sẽ mắc vào mớ lùng bùng rồi mang tiếng là người có quan hệ dây dưa với quan chức cộng sản. Rồi sẽ đầy thứ tai tiếng nằm vùng, hai mang.

Cứ thế này chả hơn sao, trong mắt người Đức tôi là một nhà văn, trong mắt anh em tôi là người tình nghĩa, trong mắt những đấu tranh tôi cũng là một người hết mình. Con đường phía trước của tôi là bằng phẳng, những gì chông gai nhất tôi đã đi qua rồi. Mẹ tôi đã 84 tuổi, cụ ở nhà với đôi mắt nhìn dõi ra cửa với câu hỏi bao giờ trông thấy tôi bước vào nhà.

Như những nhiều chiều của nhiều năm trước, mẹ tôi ngồi bắc ghế trước hiên nhà chờ tôi.

Tôi có thể giảm dần viết về chính trị, chuyển sang viết về đời sống, về những tình cảm gia đình, bạn bè, những món ăn và những kỷ niệm. Rồi tôi sẽ trở về thăm mẹ trong sự tự hào là một Việt Kiều về thăm nhà, thăm bạn bè, hàng xóm.

Tôi sẽ nấu cho mẹ tôi một bát bánh đa cua đồng với rau cải xanh, rồi tối đến quán Lộc Vàng nghe người ca sĩ già hát những bài êm đềm, da diết.

Cuộc đời có những thứ không thể ngờ được, tôi là một thằng lưu manh, ít học, đầy tiền án và tiền sự. Một ngày nào đó tôi trở thành một nhà văn bị áp chế quyền sáng tác, thành một người đấu tranh cho tự do ngôn luận.

Tại sao tôi không dám đặt niềm tin vào một tên quan chức cộng sản có cả biệt thự ở Ciputra sẽ trở thành một nhà đấu tranh, một người dấn thân đòi công bằng cho xã hội. Khi mà hắn đến với tôi bày tỏ nỗi niềm và sẵn sàng chịu chấp nhận.

Nếu tôi không tin hắn, có lẽ tôi cũng chẳng tin mình nữa. Cả tôi và hắn đều là những kẻ xấu xa trong xã hội này, từng làm hại nhân dân của mình ở những góc độ khác nhau.

Trịnh Xuân Thanh bất mãn vì bị đem ra làm vật tế thần trong một cuộc thanh toán chính trị giữa các phe phái trong Đảng. Tôi cũng chả hơn gì hắn, nếu cái ngày 29 tháng 10 năm 2005 các bác sĩ bênh viện Nhi trung ương chỉ cần làm khác đi đôi chút, có lẽ giờ tôi đang ở trong một nhóm tội phạm xã hội đen chuyên cho vay lãi nặng và tổ chức cờ bạc, một nhóm nào đó trong muôn vàn nhóm ở Hà Nội bây giờ.

Dù sao cũng phải để cho Trịnh Xuân Thanh có cơ hội lên tiếng đối đầu với những tên cộng sản gộc đã từng là đồng chí với hắn như Nguyễn Phú Trọng. Còn hơn để hắn lặng lẽ chịu trói mình dâng cho Đảng thêm phần vinh quang, hắn có bị tử hình như Dương Chí Dũng hay tù mọt gông như Trịnh Xuân Sơn… vinh quang thuộc về đảng.

Còn những người đấu tranh cho dân chủ được gì?

Hay chỉ có những tên bồi bút của Nguyễn Phú Trọng có cơ hội bơm chiến thắng của Minh Chủ để nhận hàng đống usd và thăng chức, rồi đi tống tiền các doanh nghiệp, cấu kết làm tiền các băng đảng như băng đảng Năm Cam?
Rồi khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đạo đức sáng ngời, đảng ta trong sạch, được dân tin yêu.

Thì lúc đó cần mẹ gì đến các nhóm hội đoàn, xã hội dân sự. Đảng tốt thế rồi, có chúng mày chỉ loạn thêm.

Chính những tên bồi bút ca ngợi Trọng, Phúc là những tên gián tiếp làm suy yếu phong trào xã hội dân sự, phong trào đấu tranh đòi dân chủ. Một điều tất yếu là đảng cộng sản mạnh lên thì phong trào đấu tranh yếu đi. Những kẻ đang ca ngợi Trọng, Phúc là những tên dư luận viên nham hiểm và xảo quyệt. Hãy nhìn chúng xem, chúng có ô tô, có nhà to cửa rộng, chúng huênh hoang ăn nhậu chỗ này, chỗ kia.

Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra khỏi đảng, một cái vỗ ê chề vào mặt Nguyễn Phú Trọng.

Bây giờ anh ta tiếp tục đứng ra đối đầu với Nguyễn Phú Trọng, anh ta cần phải thể hiện. Không để thiên hạ nghi ngờ nếu như anh ta có phát ngôn gì đưa cho tôi là giả mạo.

Tôi đã gửi chứng minh thư và bằng lái xe của mình cho anh ta, nếu anh ta nhận được, anh ta phải cầm những thứ đó trên tay để chụp ảnh làm bằng chứng.

Còn không, phần 6 này là phần kết thúc. Anh Thanh và bạn anh có thể tìm người khác. Tôi sẽ đốt những gì các anh đã gửi tôi, một cách sòng phẳng của giang hồ.



Chiều nay tôi nhận lại chứng minh thư và bằng lái xe kèm theo thẻ đảng của Trịnh Xuân Thanh. Lần này người liên lạc là một người đàn ông lạ, anh ta nói hai người kia có việc gấp đã đi xa trong sáng nay, họ nhắn lại Thanh nhờ tôi đưa lá đơn mà họ dã gửi File ảnh qua Email.

Tôi nhận trước phong bì không đóng nắp, rõ là những giấy tờ bên trong mới được bỏ vào cái phong bì này. Nó chẳng có dấu bưu điện, hay dấu tích của từ nơi xa nào gửi đến. Có thể người ta đã thay cái phong bì gửi đi bằng một phong bì khác khi đưa nó đến tay tôi.

Anh ta nói anh ở tận Frankfurt, anh phải đi tàu từ sáng đến đây. Frankfurt cách Berlin khoảng 6 tiếng đi xe và tầm 5 tiếng đi tàu. Như thế có lẽ giờ tôi sẽ ít gặp những người của Thanh hơn trước.

Người đàn ông khi vào quán cà phê, anh ta chọn chỗ ngồi một cách tuỳ tiện, ngay ngoài trời bên sát hàng rào. Ở Đức có những tiệm ăn quán cà phê lấn ra cả vỉa hè, có quán người ta quây hàng rào ngang vai khi khách ngồi, tạo cảnh đẹp là chính.

Chỗ ngồi rất lộ liễu, tôi nghĩ anh ta chỉ là một người dân xuất khẩu lao đông, hay đi học ở lại.

Tôi hỏi anh có ngại khi làm việc này không, anh bảo.
Tôi ngại chó gì, Hiếu cứ vô tư đi, chả có quái gì mà phải ngại đâu.

Anh ta gọi bia, còn tôi gọi cà phê. Tôi hỏi có gặp được hai người kia không, anh ta bảo họ di Mỹ rồi.

Người đàn ông nhấp cốc bia, nói theo kiểu tự nhiên như đang bình luận về bóng đá hay sự kiện nào đó.
– Tối qua cưới con Tô Lâm, tướng tá công an, quân đội đấy đó. Có nghe nói là anh Thao phụ trách an ninh bên này báo về. Thao nó bảo hình như nghe tin Thanh ngồi với một luật sư.

– Thế sao?

Tôi giật mình, nguyên nhân tôi giật mình là sáng nay tôi thấy Facebooke Nguyễn Thuỳ Trang đưa tin là Thanh đang ở Đức và nhờ luật sư xin tị nạn. Tôi thấy Thuỳ Trang đưa cái ảnh Thanh chụp cầm giấy tờ của tôi và một cái ảnh phố nào đó ban ngày. Rồi Thuỳ Trang nói là do phân tích bóng đêm, ra cái ảnh phố này là ở Đức. Nhiều người đồng tình và chia sẻ, nhưng có một người biết cái phố ấy, họ nói đó là phố đi bộ, chả xe nào vào được. Nên tôi cũng thôi không chú ý.

Giờ người đàn ông này lại nói thêm chi tiết ông Thao phụ trách an ninh Đức báo về trong tiệc cưới tối qua với mấy ông tướng an ninh, rằng dường như thấy Thanh ngồi với một luật sư.

Ô lạ kỳ, tôi lạnh người. Thế thì Thuỳ Trang là ai, người của ai. Làm sao có được chi tiết như thế?

Có thể Thuỳ Trang lại nhận tin từ những tướng an ninh tối qua ăn cưới con Tô Lâm, rồi giả vờ đưa tấm hình lên để nói là mình nhìn qua hình, phân tích và biết được như thế để đánh lừa, che dấu nguồn tin?

Nhưng cũng có thể Thuỳ Trang đoán bừa, đoán bừa nhưng lại trùng cái tin mà trùm an ninh Việt Nam ở Đức là ông Thao báo về?

Nhưng cũng chả sao, tôi chẳng có quan hệ hay trao đổi gì với Facebook Nguyễn Thuỳ Trang cả. Duy nhất một lần Nguyễn Thuỳ Trang nói Nguyễn Lân Thắng là an ninh. Vì danh dự, tôi là người sát cánh cùng Lân Thắng nhiều trận, đặc biêt là trận Văn Giang năm 2012. Tôi phải nhắn tin nói Thuỳ Trang để đảm bảo Nguyễn Lân Thắng không phải an ninh. Anh ta là người đấu tranh thực sự, nhưng đôi khi rất nóng tính phang những lời khó nghe. Còn nếu anh Thắng là an ninh thì tôi cũng là an ninh luôn. Sau đó Thuỳ Trang đã xin lỗi Lân Thắng.

Nếu Nguyễn Thuỳ Trang là người an ninh, thì thật sự làng Facebook Việt Nam thật khó lường. Tuy nhiên thì biết đâu Facebook Nguyễn Thuỳ Trang bất ngờ đoán đúng tình cờ, trùng khớp một cách ngẫu nhiên tin của Thao báo về Bộ Công An thì sao.

Tôi nghĩ nếu Nguyễn Thuỳ Trang là an ninh, thế lại càng vui, như thế là có người an ninh cũng tham gia tung tin loạn xạ hoặc cũng là một phe đấu đá phe nào đó. Còn không phải thì càng tốt, có thêm tiếng nói đấu tranh.
Bỗng nhiên tôi nhớ lại những năm tháng ở nhà, một lần đêm đó tôi và vài người nữa ngồi với Nguyễn Văn Đài ở một quán ăn. Đài nói rằng ngày kia sẽ có một phái đoàn hỗn hợp nhân quyền Âu Mỹ đến Việt Nam. Đài nói có thể họ muốn gặp chúng tôi.

Sau cuộc gặp ra về đêm đã rất muộn, tôi gửi xe và đi lên nhà. Lúc này tôi ở khu tập thể Nghĩa Đô, tận tầng 5 nên tôi gửi xe ở những nhà tầng dưới.
Vừa bước chân vào nhà, tôi có điện thoại, số lạ. Đó là người hộ tịch mới, anh ta nói mới về đây được mấy tuần nên muốn gặp tôi. Tôi bảo để sáng mai, anh ta bảo mai đi xa về quê giỗ mẹ, mà có tờ giấy về việc kê khai tạm trú mong gặp tôi làm cho xong. Mai đi về giỗ mẹ tiện nghỉ phép luôn.
Tôi hẹn ở quán cà phê ngoài đầu ngõ, đến nơi thấy anh hộ tịch vốn là hình sự phường đi cùng một anh nữa. Anh hộ tịch giới thiệu đây là anh trên an ninh thành phố xuống có việc.

Tôi tức chửi hộ tịch.
– Mày bảo tao ra đây làm cái kia cho mày, sao lại gặp thằng này. Sao mày không để nó gửi giấy triệu tập cho tao như mọi lần, đéo gì mày phải lừa tao thế.

Như các bạn biết, loại người như tôi với công an khu vực như là bạn. Bọn tôi đôi khi ngồi đánh bài, hay nước nôi trà đá ngoài quán như thanh niên với nhau. Chuyện tôi chửi mày tao với hộ tịch không phải là thói quen chúng tôi như bọn thanh niên cùng khu phố, không phải tôi anh hùng chửi cả công an. Mặc dù bây giờ tôi ở ngoài, nhưng cũng phải giải thích thế để mọi người, không lại nghĩ tôi gan dạ hay gì thì mệt lắm.

Cậu an ninh rất trắng trẻo, thư sinh cười xoà.
– Thôi anh Hiếu, việc gấp em nhờ, anh trách ông ấy làm gì.

Cậu hộ tịch chữa.
– Tại em nhiều khi cũng nhờ họ, nên giờ họ nhờ em, đêm hôm này ai muốn đi làm việc đâu anh.

Cuối cùng ông an ninh trẻ đề nghị là có phái đoàn Âu Mỹ sang mong tôi đừng đến gặp.

Anh ta không thuyết phục được tôi, nhưng đứng dậy vẫn tươi cười.
– Thì em báo bác thế theo lệnh trên, bác đi thì chả ai ngăn cả, em chỉ có nhiệm vụ khuyên bác thế. Bác đến thì do bác quyết.

Phái đoàn nước ngoài đến Việt Nam, họ muốn gặp ai ở Việt Nam, thường họ có thông báo cho phía Việt Nam biết. Vì Việt Nam lại cớ phải thông báo để họ xem xét, bảo vệ không phái đoàn gặp nhầm khủng bố thịt phái đoàn thì họ, những người bảo vệ an ninh bị trách nhiệm. Mấy ông Tây vì thế có gì thông báo hết, rút cục là những người đến gặp toàn bị ngăn.

Nhưng sao hộ tịch lại biết tôi về, tôi bị theo dõi à. Tôi đi đường ban đêm, ngó nghiêng, vào ngách này, ra ngách kia. Cam chắc là không ai theo.

Sáng sau tôi lấy xe, tôi chửi thằng Dũng trông xe.
– Đm ông, bọn công an nó cho ông ăn gì mà tôi vừa về nhà đêm qua ông báo luôn.

Thằng Dũng trông xe mặt tái nhợt lắp bắp.
– Nó bảo tôi thấy ông về thì gọi nó, nên tôi gọi.

Tôi chửi tiếp.
– Đm ông làm sao mà phải sợ nó. Ông trông xe chứ làm cái đéo gì mà sợ, tôi phản động đây cả khu biết mà tôi còn đéo sợ, mà ông lại sợ.

Dũng nói luống cuống.
– Tôi sợ, chúng nó công an, tôi thấy công an tôi sợ.

Tôi chán quá đi, nhưng từ đấy tôi biết những ngày quan trọng gì, tôi lấy xe đi là Dũng sẽ báo công an. Tương kế, tựu kế có lúc tôi đi bộ qua ngả khác rồi đi xe ôm.

Các bạn liên tưởng câu chuyện của tôi với thằng Dũng với câu chuyện Thuỳ Trang thế nào là cảm nhận của các bạn. Tôi chỉ kể câu chuyện, liên tưởng và nhận định là quyền các bạn.

Người đàn ông kia nói.
– Sáng mai vợ con Thanh sẽ đến Pháp, cô ấy đi cùng hai đứa con nuôi. Thanh nó nhận hai đứa này ở trại trẻ mồ côi. Còn hai thằng con nó thì vẫn làm ở nhà. Nó bàn vợ nó mình mà nhận nuôi rồi, giờ gặp cảnh này thì đưa chúng nó đi. Chứ ở lại nó không có tương lai, thì cũng tội. Hai đứa này bé chưa đến 10 tuổi.

Tôi hỏi Thanh ở đâu lúc này, người đàn ông nói.
– Thanh nó muốn chơi một cú được thua, nó sẽ gửi đơn lúc sang tuần. Nếu Trọng và ban kiểm tra trung ương mà chấp nhận minh bạch, làm rõ chuyện thất thoát kia là trách nhiệm của nó. Thì mở cuộc công khai, nó chỉ định mời chuyên gia kinh tế trong nước, tuỳ viên lãnh sự Mỹ về nhân quyền, tuỳ viên lãnh sự Pháp hiểu về pháp luật, luật sư Lê Công Định và cậu. Nó nói là Hiếu Gió, nói cả ông Bùi Thanh Hiếu về dự để đưa tin.

Tôi ngạc nhiên.
– Nội bộ đảng xử nhau, sao nó cho người ngoài vào. Trừ khi nó có phiên toà, lúc đó nó cũng chẳng cho.

Người đàn ông nói.
– Đấy, thì nó bảo mở mẹ phiên toà đi, cho những người như nó yêu cầu, nó ra toà luôn.

Tôi hỏi sao vợ Thanh đi Pháp diện gì, người đàn ông nói.
– Vợ nó visa Pháp 5 năm, cả bọn con. Hết 5 năm thì tính sau.

Tôi hỏi.
– Nếu thế sao Thanh nó không đi, rồi sống êm ấm, đơn từ chửi thằng Trọng làm gì. Cứ lặn mẹ đi, có tiền, có bạc thì sống đâu chả sướng. Vợ visa thế thì chồng cũng phải visa thế.

Người đàn ông cười nói.
– Thằng này tính nó ngang, ai chơi với nó đều biết. Mấy ông trên Ban Bí Thư bảo nó nhịn đi, chịu kỷ luật nhưng nó không nghe. Nó bảo thằng nào có chứng cớ nó ăn hối lộ, tham nhũng nó đưa tay vào còng ngay. Còn đây tội làm ăn thua lỗ, phải cho nó giải trình. Không cho giải trình, muốn thanh toán nhau đem nó làm thí điểm để hại nhau. Nó không chịu. Cái này thì cậu biết rõ rồi còn gì. Còn việc nó đi, bất kỳ lúc nào nó cũng đi được… (chuyện này tôi không thể kể, nhưng tôi có thể nói với các bạn là các quan chức cỡ nào tôi không biết, nhưng có chút máu mặt thì đi lúc nào cũng được).

Tôi bảo.
– Nó tham nhũng mới có nhà Ciputra, bọn quan chức nào có nhà ở đó đều tham nhũng ăn hối lộ mà có,  mà không phải bọn đó, cả các bọn khác nữa đều vậy. Oan gì nó cơ chứ?

Người đàn ông:
– Thì nó có thanh minh gì đâu, chỉ có là bắt được chứng cứ tham nhũng hối lộ thì nó chịu ngay. Còn bảo không bắt lỗi gì, kiểm tra đi kiểm tra lại mấy tháng trời, cái ý kiểm tra từ đầu thế nào đến mấy tháng sau kết luận vẫn thế. Tự các ông trên ra rồi tự các ông kết luân. Chứ ở cơ sở nó công tác các đơn vị ở đấy có kết luận tội của nó đâu. Nhà biệt thự ở Ciputra thì ông Trọng cũng được biếu 2 căn ở đó, bán sang tay luôn rồi đó còn gì.
Tôi có điện thoại ở nhà gọi, chị Lê Thị Minh Hà vợ anh Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) đến đưa mấy cuốn sách, chị nói sắp về xem xử anh Ba Sàm, muốn găp tôi chút ít.

Người đàn ông cũng bảo anh ta phải ra tàu, về đến nhà cũng muộn. Anh ta nói sẽ liên lạc với tôi sang tuần.

Mai vợ con Thanh sẽ đến Pháp, thế mà ngày 7 tháng 9. Nhà báo Mạnh Quân nói chắc rằng Thanh ở Đức, vì hiện nay vợ con Thanh đang ở Đức. Tôi có còm trong stt của Quân, chúng ta cùng giữ cái stt này để xem về những gì mà Quân nói liên quan đến người thân Thanh.